Thực hiện Công văn số 65/PGDĐT-TH ngày 16 tháng 9 năm 2022 của Phòng GD&ĐT về Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục Tiểu học Quận Lê Chân năm học 2022-2023, chiều ngày 03 tháng 3 năm 2023, Phòng GD&ĐT quận Lê Chân chỉ đạo trường Tiểu học Vĩnh Niệm đã tổ chức thành công chuyên đề chuyên môn cấp quận “Dạy học môn Tiếng Việt lớp 2 Chương trình GDPT 2018 - Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường năm học 2022-2023 của trường Tiểu học Vĩnh Niệm.”
Nhà trường vinh dự được đón các đại biểu về dự:
- Đồng chí Bùi Thị Ngọc Quyên - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận
- Các đồng chí chuyên viên Phòng GD&ĐT quận Lê Chân
Và các đồng chí đại diện Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn và các đồng chí giáo viên các trường tiểu học trong quận.
Năm học 2022-2023 là năm học thứ 3 thực hiện Chương trình GDPT 2018, năm thứ 2 thực hiện Chương trình lớp 2 Chương trình này. Để tiếp tục thực hiện được mục tiêu, nội dung Chương trình, dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh đồng thời phát triển văn hóa đọc cho HS, trường Tiểu học Vĩnh Niệm đã nghiên cứu, thực hiện chuyên đề với các biện pháp cụ thể, được vận dụng vào các hoạt động của tiết dạy Đọc mở rộng trong chủ đề “Việt Nam quê hương em” do cô giáo Phạm Thị Kim và các em học sinh lớp 2A6 thể hiện.
Một trong các giải pháp được thực hiện trong chuyên đề là: Phát triển văn hóa đọc trong dạy học môn Tiếng Việt lớp 2 Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 - thông qua tiết “Đọc mở rộng”
Đọc mở rộng là tiết dạy mà giáo viên được chủ động, sáng tạo về cách thức tổ chức lớp học, học sinh được thoải mái, thư giãn đọc sách. Mỗi tiết học có các hoạt động chủ yếu: HS kể tên các bài thơ, câu chuyện trong sách, báo, truyện; HS đọc sách tại lớp, sau đó chia sẻ, trao đổi với các bạn và cô giáo về những nội dung liên quan đến bài đọc và cảm nhận, hiểu biết của các em. Mục tiêu của tiết đọc mở rộng hướng đến là giúp học sinh yêu thích đọc sách và chủ động tìm sách phù hợp để đọc, hiểu nội dung văn bản, dần hình thành được thói quen đọc và biết chia sẻ những hiểu biết, suy nghĩ, cảm xúc của mình với bạn bè, người thân,... Đến các năm học tiếp theo, học sinh tiếp tục được rèn thói quen đọc và nâng cao văn hóa đọc.
Tiết Đọc mở rộng chủ đề “Việt Nam quê hương em” mà cô giáo đã thể hiện, các hoạt động được thiết kế bám sát mục tiêu, yêu cầu cần đạt của môn học, đồng thời lồng ghép các hoạt động phát triển văn hóa đọc cho học sinh.
Để tăng hứng thú cho học sinh cũng như hiệu quả của tiết dạy, GV tích cực khai thác kênh hình, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học như: Đưa vào bài dạy các video, tranh ảnh,... có nội dung phù hợp. Nguồn tư liệu này do giáo viên và học sinh chuẩn bị: Đó là các video, tranh, ảnh, các hình ảnh về tác phẩm thơ, văn,...; các hình ảnh về cảnh đẹp các miền đất nước,... hoặc cũng có thể là hình ảnh thực tế các cảnh đẹp mà các em đã từng đến. Ngoài ra, giáo viên đã sử dụng ứng dụng Padlet để tạo Thư viện đọc mở rộng của lớp, giúp phụ huynh dễ dàng khai thác bài đọc và đọc cùng con khi không mang theo sách giấy.
GV áp dụng các kỹ thuật dạy học hiện đại như: Tia chớp: trong bước giới thiệu những thông tin về bài đã tìm đọc; động não,...: trong hoạt động tìm hiểu nội dung mở rộng liên quan đến bài đọc; phương pháp thực hành, luyện tập giúp phát triển kĩ năng đọc; phương pháp làm việc nhóm và cá nhân giúp phát triển năng lực hợp tác, tự học, tự giải quyết vấn đề; phương pháp thảo luận nhóm giúp HS phát triển kỹ năng lắng nghe, giao tiếp,...
GV linh hoạt trong tổ chức hình thức, phương pháp dạy học, cụ thể:
Ở hoạt động 1: Tìm đọc bài thơ, câu chuyện về cảnh đẹp đất nước
HS chuẩn bị trước ở nhà những bài văn, bài thơ viết về cảnh đẹp đất nước (với sự hỗ trợ của người thân hoặc từ các nguồn sách ở Thư viện 50K, thư viện Thân thiện của trường,...). HS giới thiệu những bài văn, bài thơ đã chuẩn bị (nguồn tìm, giới thiệu về sách, tác giả,...). HS đọc thầm bài chuẩn bị. Học sinh đọc trước lớp (Hoạt động này, giáo viên hướng dẫn cho học sinh đọc cá nhân Các em được đọc trong một không gian yên tĩnh trên nền nhạc nhẹ nhằm tăng khả năng ghi nhớ cho não bộ. Trong hoạt động này, GV kết hợp sửa cho các em cách đọc đúng, rèn đọc đúng, lưu loát, ngắt, nghỉ đúng dấu câu,... và đánh giá kĩ thuật đọc. Sau khi đọc xong, HS trao đổi về nội dung bài đọc, các nội dung mở rộng liên quan đến bài đọc của HS (GV định hướng cho HS tự viết nội dung quan trọng, thú vị bằng hình thức: sơ đồ tư duy, kết hợp tranh ảnh, video hay tưởng tượng của các em. Hoạt động này có thể thực hiện trên lớp nếu đủ thời gian hoặc tại nhà.)
Ở hoạt động 2: GV tổ chức cho HS Đọc đoạn thơ hoặc đoạn truyện mình thích và chia sẻ với các bạn về điều đó. GV tổ chức cho học sinh đọc trong nhóm đôi; Đọc trước lớp (kết hợp giới thiệu sách, ảnh chụp về cảnh đẹp mà bản thân đã được tới thăm,...). HS kết hợp trao đổi với các bạn và cô giáo về các nội dung mở rộng liên quan đến bài đọc. Trong hoạt động này, học sinh được sửa cách diễn đạt, trả lời đúng trọng tâm, phát triển ngôn ngữ nói, kĩ năng nghe; độc lập suy nghĩ và đưa ra các suy nghĩ riêng của mình.
Trong cả 2 hoạt động, giáo viên lồng ghép giới thiệu sách nhằm khơi gợi đam mê đọc sách, phát triển văn hóa đọc cho HS.
Trong hoạt động 3: Vận dụng, mở rộng: GV giới thiệu thêm những cuốn sách có nội dung liên quan đến chủ đề cảnh đẹp trên các miền đất nước để các em chủ động tìm đọc để đạt được mục tiêu phát triển văn hóa đọc. Sau tiết học, các em đổi các bài thơ, câu chuyện sưu tầm được cho bạn để về nhà đọc. GV giao nhiệm vụ về nhà cho HS chuẩn bị tìm đọc các văn bản theo gợi ý của tiết đọc mở rộng lần sau. Cuối hoạt động này, các em được nói các suy nghĩ, cảm xúc riêng của mình sau khi đọc.
Trong năm học, khi thực hiện dạy tiết Đọc mở rộng lớp 2 theo mô hình này, giờ học trở nên nhẹ nhàng, lôi cuốn, học sinh hình thành được thói quen đọc và hiểu hơn nội dung văn bản, hứng thú học tập, có nhiều cơ hội thể hiện sự sáng tạo của bản thân, đọc một cách tích cực và tự giác. Mỗi tuần, các em có ý thức tìm các văn bản truyện, thơ, bài báo,... để đọc và cùng trao đổi với bạn. Giáo viên cũng từ đó có ý thức tự bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ của bản thân và cũng tăng cường việc tìm tòi các văn bản để định hướng, giới thiệu cho học sinh đọc.
Bên cạnh đó, giải pháp thứ hai là: Tổ chức các hoạt động Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường thông qua các môn học, hoạt động đọc sách và ứng dụng kiến thức đọc trong sách vào học tập, đời sống.
Từ nhiều năm qua, trường TH Vĩnh Niệm đã chú trọng tổ chức nhiều hoạt động phát triển Văn hóa đọc:
Năm học 2019 - 2020: Phát động phong trào xây dựng thư viện 50K của lớp. Dạy các Tiết đọc thư viện tại Thư viện thân thiện với nguồn sách được cung cấp từ tổ chức Room To Read,....
Năm học 2020 - 2021: Tổ chức Ngày hội sách và văn hóa đọc Việt Nam; Liên đội xây dựng và đưa vào hoạt động Công trình Măng non: Góc Măng non và hành trình của những trang sách; Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc cấp trường, cuộc thi Thiếu nhi tuyên truyền kể chuyện sách, báo chủ đề “Thiếu nhi Hải Phòng kể chuyện Bác Hồ kính yêu.” (cấp trường và cấp quận).
Năm học 2021 - 2022: Tổ chức Ngày hội đọc sách cấp trường.
Năm học 2022 - 2023: Tổ chức cuộc thi Kể chuyện theo sách cấp trường; Tổ chức chuyên đề Đội cấp quận. Tiết học minh họa chuyên đề là một hoạt động chuyên môn gắn kết với chuyên đề Đội “Sách cùng em trưởng thành” được thực hiện trong buổi sáng cùng ngày với các hoạt động: Triển lãm tranh “Em lớn lên cùng trang sách”; Hoạt động đọc sách tại trường, và “Thư viện lưu động” thành phố; Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm “Sách và đời sống” sử dụng nguyên liệu tái chế làm các sản phẩm thân thiện với môi trường: Chuông gió, Khay đựng bút, đồng hồ, giá đựng sách mini; Máy tưới cây tự động, bình lọc nước sạch, sản phẩm cây xanh tự trồng, ô tô, cano, quạt, chạy pin,... Các em học sinh đã rất tích cực tham gia hoạt động đọc sách, ứng dụng kiến thức từ sách vào học tập và đời sống.
Công tác xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong trường Tiểu học Vĩnh Niệm đã đạt được hiệu sâu rộng, lan tỏa văn hóa đọc đến học sinh toàn trường. Học sinh có niềm vui, hứng thú, có thói quen đọc sách, nâng cao văn hóa đọc; có cơ hội được đọc những cuốn sách hay, bổ ích về văn hoá và xã hội cùng bạn bè sưu tầm được. Học sinh có thêm hiểu biết; có đạo đức, lối sống, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, sống có trách nhiệm với cộng đồng; học sinh có điều kiện được giao lưu, học tập trong môi trường thân thiện, lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học; tạo ra một không gian, không khí trí tuệ và bổ ích, từ đó thúc đẩy phong trào đọc sách trong nhà trường.
Sau chuyên đề, những ý kiến góp ý của các đ/c CBQL, đồng nghiệp và đặc biệt là các ý kiến chỉ đạo của các đ/c lãnh đạo, chuyên viên Phòng GD&ĐT quận là nguồn động viên để nhà trường tiếp tục vận dụng, triển khai kết quả chuyên đề tại các khối lớp. Thông qua chuyên đề, nhà trường đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy - học môn Tiếng Việt, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt tiếp tục phát triển văn hóa đọc trong trường Tiểu học Vĩnh Niệm và thực hiện Chương trình GDPT 2018 trong những năm tiếp theo.
Sau đây là một số hình ảnh trong chuyên đề: