Mỗi độ tháng Ba về, thành phố Cảng Hải Phòng lại tưởng nhớ ngày 7/3/1954 - ngày sân bay Cát Bi rực lửa.
Sân bay Cát Bi được Pháp khởi công xây dựng năm 1912, vốn thuộc địa phận huyện An Hải, tỉnh Kiến An (nay là quận Hải An, thành phố Hải Phòng). Đây là một sân bay chiến lược của thực dân Pháp tại Đông Dương. Nơi đây thường xuyên có 200 máy bay, hơn 700 phi công, 50 cố vấn quân sự và 1 đại đội chỉ huy sân bay. Lực lượng bảo vệ sân bay có 6 tiểu đoàn khoảng 3000 tên được trang bị súng cối và đại liên là những loại hỏa lực mạnh. Xung quanh sân bay là 77 tháp canh, lô cốt kiên cố, 06 hàng rào thép gai có bố trí bãi mìn và vật cản. Ngoài ra các đội tuần tra bằng xe cơ giới thường xuyên dẫn chó săn đi lùng sục. Với hệ thống phòng thủ, bảo vệ trên, thực dân Pháp coi đây là một nơi trú quân an toàn, một đồn lũy kiên cố để tiếp nhận và vận chuyển vũ khí, viện binh, viện trợ của Mỹ gửi qua Cảng Hải Phòng tới các mặt trận và căn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Thực hiện chủ trương của cấp trên, Bộ Tư lệnh khu Tả ngạn đã ra chỉ thị cho Trung tướng Đặng Kinh, lúc bấy giờ là Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Kiến An mở một cuộc tập kích vào sân bay Cát Bi nhằm chặn đường viện trợ của Pháp.
Sau thời gian tìm hiểu địa hình và nắm bắt quy luật hoạt động của địch, Tỉnh đội đã thống nhất sử dụng một phân đội nhỏ bí mật luồn sâu vào trong sân bay, sau đó chia ra thành nhiều tổ đồng loạt tiến công phá hủy máy bay. Ngoài ra, Ban chỉ huy Tỉnh đội còn thực hiện trinh sát nắm địch. Đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn bởi cơ sở để quân ta gây dựng "nội ứng" không có mà lại phải giữ bí mật tuyệt đối để đảm bảo cho sự an toàn của trận tập kích.
19 giờ ngày 06/3/1954, lực lượng chiến đấu gồm 32 đồng chí mang theo súng, dao găm, lựu đạn, bộc phá,... xuất phát từ xã Hòa Nghĩa (huyện Kiến Thụy), hành quân theo đường 14, vượt sông Lạch Tray rồi men theo đường vòng dài 10km trong đêm tối, gió lạnh. Đến hàng rào thứ nhất thì dừng lại ngụy trang, tổ quân báo được lệnh cắt hàng rào mở 02 cửa xung quanh. Khoảng 0h45 phút ngày 7/3/1954, theo hiệu lệnh các đồng chí đồng loạt xông vào khu máy bay đậu quăng bộc phá, ném lựu đạn, ... Hàng loại tiếng nổ làm chấn động cả một vùng, lửa cháy lan từ máy bay này sang máy bay khác tạo thành một đường lửa dài theo đường băng máy bay đỗ. Cuộc chiến đấu diễn ra trong khoảng 15 phút rồi quân ta rút lui theo đường rải vải trắng ra ngoài về hướng bờ sông.
Kết quả, địch bị thiệt hại nặng nề: 59 máy bay và nhiều phương tiện quân sự bị phá hủy cùng với 06 lính Âu Phi bị tiêu diệt, con đường viện trợ của Pháp bị tê liệt.
Ngay khi nhận tin chiến thắng Cát Bi, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện khen mừng và trao tặng danh diệu "Đoàn dũng sĩ Cát Bi". Chính phủ quyết định tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Đoàn. Từ đó, các dũng sĩ Cát Bi và chiến công của đoàn đã vang danh trên khắp các chiến trường chống Pháp, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy Năm Châu, chấn động địa cầu 07/5/1954.
Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp, Hải Phòng tự hào là nơi đầu tiên của miền Bắc đứng lên chống giặc và làm nên trận đánh "Cát Bi rực lửa" năm 1954. Mỗi người dân thành phố luôn tự hào về những tháng ngày hào hùng ấy và truyền thống quật cường của thành phố Cảng “Trung dũng - Quyết thắng”.
Nguồn: Bảo tàng Hải Phòng
![Nhấn vào ảnh để phóng to](https://848603edf5.vws.vegacdn.vn/UploadImages/news/haiphong//2024/thvinhniem/admin/2024_3/4/475_43202401.jpg?w=900)
Máy bay Pháp bị hủy diệt trong trận đánh "Cát Bi rực lửa" năm 1954 (Ảnh tư liệu)
Những người lính Pháp cuối cùng rời khỏi miền Bắc tại Hải Phong tháng 5-1955